Ở vào vùng nhiệt đới, TP.HCM cùng với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ phù hợp với nhiều loại phong lan, địa lan. Ngoài việc nhập nội, lai tạo, nhân giống các loại lan mới, chúng ta còn sở hữu nhiều nguồn gen quý hiếm, độc đáo, mới lạ. Cùng với đội ngũ nghệ nhân, doanh nhân tích lũy ngày càng nhiều kiến thức, kinh nghiệm, đang trực tiếp sản xuất - kinh doanh, còn có các cơ sở khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu, các thành phần kinh tế... vào cuộc, góp phần khơi động một tiềm năng sống động, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở ra triển vọng xuất khẩu các loại phong lan, địa lan và các loại sinh vật cảnh khác.
Với dân số 5,5 triệu người, chưa kể gần 2 triệu người nhập cư, 1,5 triệu lượt khách du lịch; TP.HCM còn có hàng trăm khách sạn, nhà hàng cao cấp có nhu cầu tiêu thụ hoa ngày càng nhiều. Chỉ riêng hoa lan cắt cành hằng năm đã phải nhập hơn 1 triệu cành (với giá bình quân 4.000 đồng/cành) thành phố phải chi ra hơn 4 tỉ đồng. Chủng loại hoa lan lưu thông trên địa bàn thành phố khá phong phú, đa dạng từ Dendrobium, Mokara, Taka, Vanda cho đến Cattleya, Hồ Điệp, Cymbidium,... đều có khả năng tiêu thụ.
Đến nay, nghề trồng hoa lan của thành phố đã phát triển ở hầu hết các quận, huyện; đạt diện tích 50 ha (năm 2004), 80 ha (2005); trong đó Mokara và Dendrobium được trồng nhiều nhất vì điều kiện khí hậu phù hợp, lợi nhuận cao (1 ha có thể đạt thu nhập 1 tỉ đồng/năm). Tuy vậy, thành phố chỉ mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; còn lệ thuộc vào nguồn giống từ nước ngoài. Quy mô sản xuất nhỏ, lẻ; trình độ sản xuất thấp, chưa tạo ra khối lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và nội địa. Rõ ràng nghề trồng lan phát triển chưa tương xứng với khả năng và tiềm lực của một thành phố lớn.
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp sắp tới, thành phố chủ trương đẩy mạnh chương trình phát triển khoa, cây kiểng, cá cảnh; trong đó phong lan là sản phẩm mũi nhọn. Phấn đấu mở rộng diện tích lên 200 ha vào năm 2010. Đưa vào nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc các loại giống mới, lạ, đẹp phù hợp khí hậu nhiệt đới; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao từ khâu nhân giống, thiết kế vườn, xây dựng nhà lưới, giá thể cho đến trang bị hệ thống tưới phun, tưới giọt kết hợp bón phân, phòng trừ sâu bệnh phù hợp với từng loại hoa lan. Tổ chức hệ thống thông tin, tư vấn về thị trường, dịch vụ hỗ trợ người trồng hoa. Mở thêm các cuộc hội thi, hội chợ, triển lãm về hoa lan. Kết hợp các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các hội chuyên ngành đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, phổ biến kinh nghiệm cho người trồng và kinh doanh hoa lan. Ngoài ra, thành phố đang xúc tiến quy hoạch các vùng chuyên canh về hoa kết hợp du lịch sinh thái ở các quận ven và các huyện ngoại thành. Áp dụng các chính sách ưu đãi về đầu tư (đất đai, cơ sở hạ tầng, vốn, thuế...). Hình thành một trung tâm tổng hợp về hoa lan, bao gồm sản xuất giống, sản xuất hoa thương phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra. Trong đó sản xuất và cung cấp giống là khâu có ý nghĩa quyết định.
Hoa lan là một trong những sản phẩm đặc thù của ngành nông nghiệp đô thị, không những góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, đất, nước và các nguồn lực khác, mà còn làm cho chất lượng môi trường sống ngày càng trong lành hơn, mỹ quan hơn. Vì vậy phát triển hoa lan là một đòi hỏi bức thiết trong sản xuất nông nghiệp ở thành phố hiện nay và sắp tới.
Trương Hoàng
(Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM)
Phong lan là loài hoa nở lâu ngày và được nhiều người chọn để làm đẹp cho nhà mình. Tuy nhiên, đây là một loại hoa khó trồng, nếu không biết cách chăm sóc, nó rất dễ chết. Dưới đây là một số kỹ thuật trồng.
Trồng trong chậu
Nên trồng vào các chậu đất nung sẽ giúp phong lan phát triển tốt hơn. Chọn chậu có nhiều lỗ thoáng. Trước khi trồng hoa, phải rửa sạch chậu. Nên cho đất to xuống đáy chậu và đất nhỏ trên bề mặt.
Trồng ghép trên thân cây khác
Bạn có thể dùng thân cây còn sống để trồng ghép, nhưng cần tỉa bớt tán nhánh. Chú ý là không phải vị trí nào của thân cây cũng có thể ghép được. Cây chỉ phát triển tốt khi chúng được ghép ở phía ánh sáng ban mai chiếu vào (hướng đông). Cách trồng này thích hợp cho hầu hết các giống lan, đặc biệt là lan rừng.
Nếu muốn ghép lan với các thân cây đã chết, bạn phải cắt cây thành khúc ngắn để dễ treo. Nên chọn những cây mục và bóc vỏ đi vì vỏ sẽ là nơi trú ẩn của côn trùng phá hoại. Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây để giữ ẩm rồi buộc chằng lên đó gốc lan. Nếu bạn trồng vào những ngày mưa hoặc thời tiết quá ẩm thì không cần phải buộc xơ dừa.
Trồng thành băng xơ dừa
Chọn xơ của những quả dừa già và khô rồi xé ra từng mảnh to bằng nửa bàn tay. Sắp các mảnh sát nhau thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre và giữ chặt chúng lại bằng 2 thanh nẹp tre. Để tránh úng nước, bạn có thể đục một lỗ nhỏ dưới miếng xơ dừa rồi mới trồng. Sau 2-3 năm, khi xơ dừa đã mục có thể thay băng khác.
Một số điểm cần lưu ý
Khi trồng xong nên để cây ở nơi mát mẻ có độ ẩm cao cho đến khi rễ non phát triển mới chuyển dần ra nơi có ánh sáng phù hợp. Sau khi trồng 1-2 ngày không cần tưới nước ngay vì dễ bị thối cây. Phải thường xuyên quan sát xem đất còn đủ độ ẩm hay đã khô. Cần tưới nước dưới dạng phun sương. Khi rễ cây phát triển đều mới mới bón phân. Có thể bón phân hữu cơ (nước tiểu, phân và xác bã động vật) hoặc vô cơ (có các yếu tố N, P, K).
Nhiệt độ cao làm tăng sự phát triển dinh dưỡng ở cây lan. Vào mùa nắng, nên tăng lượng phân bón cho cây để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Không nên để cây ở nơi thiếu ánh sáng vì nó sẽ sinh trưởng kém.
cutekool.com/gioitinh
No comments:
Post a Comment