Hướng dẫn trồng lan hồ điệp
Lan Hồ Điệp được phát hiện vào năm 1750, đến năm 1852 dùng từ Blume để định danh. Cho đến nay đã tìm thấy hơn 70 giống nguyên sinh, đại đa số có nguồn gốc ở vùng Á nhiệt đới. Hiện nay, hoa lan Hồ Điệp được trồng rộng rãi trên thế giới và được mệnh danh là lan “Hoàng hậu”.
Đối với nước ta những năm gần đây, đời sống kinh tế phát triển, nên thị trường trong nước cũng ngày càng tiêu thụ nhiều, do đó trồng Lan Hồ điệp đã và đang trở thành một nghề đem lại lợi nhuận cao.
Lan Hồ Điệp có yêu cầu rất nghiêm ngặt với điều kiện ngoại cảnh, vì vậy muốn trồng lan Hồ Điệp thì việc đầu tiên phải chuẩn bị nhà kính hoặc nhà lưới và phải có thiết bị điều tiết được nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... Viện Nghiên cứu Rau quả hiện có khoảng 4.000m2 nhà lưới hiện đại đang nuôi trồng lan Hồ Điệp với nhiều giống hoa có màu sắc khác nhau như LVR2, LVR4, tiểu kiều tím, ban mai hồng...
Bên cạnh việc thử nghiệm các giống hoa lan Hồ Điệp mới, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã tiến hành xây dựng và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc lan Hồ Điệp, đặc biệt là quy trình xử lý để hoa nở vào dịp mong muốn.
Một số lưu ý khi trồng hoa lan Hồ Điệp:
1. Chuẩn bị giá thể
Giá thể cần tơi xốp, thoáng khí và có khả năng giữ nước và thoát nước tốt như: dớn trắng, rễ loài quyết, than bùn, đá chân chu, miếng sứ vụn… Đối với mỗi chất nền khác nhau cần có biện pháp chăm sóc khác nhau, đặc biệt là chế độ nước.
2. Chuẩn bị chậu nuôi
Chậu dùng trồng lan Hồ Điệp phải là chậu màu trắng trong và nông để cho rễ phát triển thuận lợi và cho quang hợp. Cây con dùng chậu 5cm, sau 4 – 6 tháng cây lớn vừa chuyển sang chậu 8,3cm, sau 9 – 12 tháng cây lớn đổi sang chậu 12cm.
3. Chăm sóc
3.1. Thời kỳ cây sau nuôi cấy mô
Cây con hong khô rồi dùng giá thể bọc rễ lại chỉ để hở gốc và lá. Thông thường cây con đặc cấp trồng thẳng vào chậu 7cm, cây cấp 1 trồng vào chậu 5cm. Cây con cấp 2 trồng vào khay 128 lỗ hoặc vào khay ươm cây con. Cây con dưới 2 cm có thể loại bỏ hoặc trồng trong khay ươm cây giống.
Trong thời kỳ này cần đảm bảo lượng nước cho cây sinh trưởng tốt vì sức chịu hạn của cây con yếu. Ánh sáng tốt nhất khống chế ở 5.000 – 7.000 lux, sau đó sẽ tăng dần (tối đa 12.000 lux). Nhiệt độ ở giai đoạn này nhất thiết không được thấp hơn 20oC, tốt nhất là 23oC, đồng thời đảm bảo thông gió tốt. Sau khi trồng một tháng do rễ chưa vươn dài nhiều, không nên vội bón phân, cần phải xem xét cụ thể tình hình sinh trưởng, cách 7 – 10 ngày bón một đợt phân loãng tỷ lệ N:P:K = 30:10:10 nồng độ 30 – 40 mg/lít và thêm vào một lượng KH2PO4 và nguyên tố vi lượng để kích thích rễ phát triển và tăng sức chống bệnh cho cây.
3.2. Thời kỳ thay chậu lần 1 và chăm sóc sau khi thay chậu
Cây con trồng trong chậu 5cm, sau 4 – 6 tháng, khoảng cách giữa 2 lá khoảng 12 cm, cần tiến hành thay chậu lần thứ 1. Lấy cây con ra, dùng giá thể bọc kín rễ, đặt nhẹ vào chậu nhựa 8,3cm trong suốt đảm bảo thoát nước tốt. Sau khi sang chậu phun dung dịch nước diệt khuẩn và trong vòng 3 – 5 ngày không được phun nước nhưng cần giữ ẩm. Sau khi sang chậu cách 3 – 10 ngày phun một lần nước và hoà phân vào cùng phun. Loại phân như trên nhưng nồng độ tăng dần, có thể dùng 40mg/lít, từ giai đoạn này trở đi có thể sử dụng thêm các laọi phân hữu cơ khác như Komix, hay dung dịnh ngâm các loại xác động thực vật với mức 3 – 5ml/lít. Ánh sáng có thể tăng dần từ 12.000 – 18.000 lux, nhiệt độ từ 20 – 25oC, độ ẩm 70 – 85%
3.3. Thời kỳ thay chậu lần 2 và chăm sóc sau khi thay chậu
Khi khoảng cách 2 lá tới 18cm thì sang chậu lần 2, cách làm giống như trên và thay sang chậu nhựa trong 12cm. Do cây lớn dần nên nồng độ phân có thể tăng dần tới 50mg/lít và phun kết hợp một số loại phân hữu cơ khác.
Trước khi vào thời kỳ ra hoa 2 – 3 tháng, cần thay bằng phân có hàm lượng lân và kali cao (tỷ lệ N:P:K = 10:30:20), kết hợp phun KH2PO4 để kích thích phân hoá mầm hoa và làm cho cuống hoa to khoẻ. Ở giai đoạn này tăng độ chiếu sáng lên 18.000 – 20.000 lux.
4. Phòng trừ sâu, bệnh
- Các loại sâu hại chính là : rệp, rệp sáp và nhện... Khi mới phát sinh dùng vải ướt lau, loại bỏ trứng sâu hoặc cắt bỏ bộ phận bị bệnh đốt đi, hoặc có thể sử dụng Malathion hoặc Trebon, Aramite 15%
- Các loại bệnh thường gặp là thối đen, thán thư, đốm vòng trắng, thối nhũn, muội than. Có thể phòng trừ bằng thuốc Score 250 EC, Boocdo 1%, Topsin, Futanin50%, Dithane 80WP, 1g Streptomicin + 1g Tetracyclin ...
Video Clips Cách sang chậu cho lan hồ điệp
http://youtu.be/MYjcTApc400
Video clips Trồng hoa lan hồ điệp bằng phương pháp cấy mô
http://youtu.be/Womcz5I0gUQ
Làm giàu từ trồng hoa lan Hồ Điệp trong nhà kính
| |||
|
Anh châu giúp Thy nhân giống hoặc mua lan giá xỉ nhé anh
ReplyDelete