KỸ THUẬT TRỒNG HOA LAN CẮT CÀNH - NHÓM LAN MOKARA

NGUỒN: WWW.SONONGNGHIEP.HOCHIMINHCITY.GOV.VN

Hoa lan là một loài hoa đẹp có giá trị kinh tế cao, hiện đang có thị trường tiêu thụ mạnh trong nước cũng như xuất khẩu. Một số giống hoa có thể trồng được trong điều kiện nhiệt đới ẩm của TP. Hồ Chí Minh như: Dendrobium, Mokara, Phalaenopsis, Cattleyas, Vandaceous, Oncidium… Trong đó lan cắt cành thuộc nhóm Mokara và Dendrobium được các hộ trồng nhiều và có tỷ suất lợi nhuận khá cao mặc dù đầu tư ban đầu cao, nhất là phần đầu tư cây giống.


Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hộ trồng hoa lan nhóm Mokara đang được ưa chuộng do dễ trồng và thi trường tiêu thụ còn đang rất lớn. Mokara là nhóm giống hoa được lai tạo từ các giống: Arachnis x Vanda x Ascocentrum. Nhóm giống này có đặc điểm tương tự như nhóm Vanda là loài Lan đơn thân, thân hình trụ dài tiếp tục mọc cao lên mãi, không có giả hành, lá dài hình lòng máng hay hình trụ mọc cách hai bên thân. Phát hoa mọc từ nách lá giữa thân, phát hoa dài mang nhiều hoa thường không phân nhánh. Hoa cỡ trung bình đến lớn, cánh đài của hoa rất lớn. Hoa có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh. trên cánh hoa thường có chấm, có đốm hoặc hình carô rất đẹp. Nhóm giống này rất thích hợp với việc trồng sản xuất hoa cắt cành do siêng ra hoa, có thể đạt 6 – 8 phát hoa/năm. Để trồng loại hoa này trước hết phải xây dựng nhà lưới thoáng mát với chiều cao trung bình từ 3,5 - 3,8 m. Loại lưới dùng để che phủ được dùng lưới nhập từ Thái lan về loại có độ che mát là 50%. Nhóm lan Mokara được trồng thành luống, chiều ngang luống rộng từ 0,8 - 1,2 m để trồng từ 2 - 3 hàng, một số nới có thể tăng lên 4 hàng với luống 1,2 m. Luống được xây xung quanh bằng gạch ống, khoảng 3 hàng tinh từ mặt đất lên. Bên hông luống nên làm lỗ thoát nước bằng cách để lỗ hổng không xây gạch. Sau đó rải chất trồng bằng vỏ đậu phộng khô với độ dày khoảng 10 -15 cm ban đầu, sau thời gian vỏ đậu phộng xẹp xuống có thể bổ sung thêm vỏ đậu để tạo lớp nền cho rễ lan bám xuống. Đầu luống nên đóng cọc bằng cây gỗ hoặc cây betông, có nơi dùng ống nhựa cấp nước để cột chặt các cây tầm vông theo 2 - 3 hàng dọc theo luống. Các cây lan giống được trồng dọc theo luống và được cột chặt vào các cây tầm vông đã được đặt sẵn theo luống. Thông thường tuỳ theo kích cỡ cây giống được giao nhưng tối thiểu cây con phải có sẵn ít nhất 3 rễ, như vậy cây mới mau phát triển không bị mất sức. Đặt cây lan theo mật độ lá của cây này giáp với đầu lá cây kia. Như vậy bình quân khoảng 1.000 m2 nhà lưới ta trồng được khoảng 4.000 cành Mokara. Dùng dây kẽm nhỏ có bọc nhựa ( thường dùng loại dây điện loại nhỏ là lõi của dây điện thoại ) để cột cây, tránh đổ ngã khi tưới để cây mau bắt rễ.


Sau khi trồng, thời gian đầu nên sử dụng loại phân bón lá có chứa B1 và NAA để kích thích cây phát triển rễ và mau phục hồi. Sử dụng mỗi tuần một lần loại phân cá - là loại phân bón lá dạng hữu cơ rất tốt cho lan. Sau đó luân phiên sử dụng B1, phân cá và loại phân bón lá có hàm lượng N cao, ví dụ như 31-11-11 để phun cho lan. Từ 3 - 6 tháng đầu sử dụng liên tục và luân phiên các loại phân bón lá trên. Nếu có điều kiện có thể bổ sung tưới hoặc phun bánh dầu đã được ngâm kỹ, hết mùi hôi và sau đó lọc kỹ đưa vào bình phun cho cây. Về chế độ tưới hàng ngày nhất là vào mùa nắng nên đảm bảo tưới hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều mát. Đối với những ngày có sương hoặc hơi lạnh có thể tưới sớm để rửa lá trước khi mặt trời mọc. Nhóm lan Mokara ít bị sâu phá hoại, chủ yếu là theo dõi nếu có kiến quá nhiều thì nên phun thuốc trừ sâu với nồng độ loãng để diệt kiến. Một số vườn lan loại này có xuất hiện rệp vảy cũng cần phải theo dõi và phun thuốc. Lan Mokara cũng dễ bị bệnh đốm lá nên cần theo dõi vườn để phát hiện bệnh. Chỉ tập trung phun thuốc trừ bệnh đối với những cây bị nhiễm bệnh với các loại thuốc như: Aliette, Score, COC 85, Carbendazim, Rampart luân phiên nhau. Cần lưu ý không được bón phân chuồng tươi làm cho nấm bệnh phát trển, cây rất dễ bị nhiễm bệnh.


Khi cây lan đã lớn, lượng rễ nhiều, có thể sử dung loại phân bón lá có hàm lượng N-P-K tương đương nhau như loại 20-20-20; Thời gian sau 6 tháng trở đi một số giống hoa đã bắt đầu cho hoa, khi đó có thể phun bổ sung loại phân bón lá như 6-30-30 để kích thích ra hoa và hoa sẽ bền đẹp và phát hoa sẽ dài hơn. Đối với nhóm Mokara nếu chọn được giống tốt, hoa có màu sắc phù hợp mỗi cây sẽ cho từ 6 - 8 cành hoa trong một năm. Như vậy nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, tính từ khi cây cho cành hoa đầu tiên, sau một năm có thể thu hồi được phần đầu tư cây giống, và từ năm thứ hai trở đi, sau khi trừ chi phí chăm sóc, bón phân sẽ là lợi nhuận dôi ra do trồng hoa đem lại.


TIN TỨC 2 :

TỈ PHÚ TRỒNG LAN


Ông Trần Văn Xê chăm sóc lan tại vườn
TỪ MỘT NÔNG DÂN LÀM ĂN THẤT BẠI, ÔNG TRẦN VĂN XÊ ĐÃ KIÊN TRÌ HỌC HỎI VÀ TÌM RA CÁCH LÀM GIÀU BẰNG ĐÔI BÀN TAY CẦN CÙ VÀ LÒNG SAY MÊ


Đến xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn - TPHCM, hỏi thăm đường đến vườn lan của ông Trần Văn Xê, một cán bộ xã mau mắn chỉ đường. Tôi men theo con đường mới mở, mà theo lời anh cán bộ nọ, có hơn 400 m2 đất của ông chủ vườn lan hiến tặng. Chẳng mấy chốc, trước mắt tôi đã hiện ra vườn lan bạt ngàn với những bông hoa đủ màu đang khoe sắc.


DUYÊN NỢ CÙNG LAN


Từ vườn lan bước ra là nông dân Trần Văn Xê trong bộ trang phục làm vườn cũ kỹ. Ông cười nói với tôi: “Trồng lan coi vậy chứ cực lắm, bận rộn suốt ngày, hết bón phân lại tưới nước, xịt thuốc. Nhưng bù lại được nhìn những bông hoa khoe sắc là tôi thấy khỏe lại liền. Ngày nào không ra vườn là trong người tôi lại bứt rứt không yên”. Với ông, vườn lan không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm đam mê. Những cành lan đủ màu sắc kia đã đi vào từng bữa cơm, giấc ngủ của ông suốt 5 năm qua.


Để có được vườn lan như hôm nay, gia đình ông đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả. Ông kể: “Trước đây, tôi từng nuôi bò sữa, heo, trồng hoa màu... Nhưng suốt 10 năm làm cật lực, kết quả là... lỗ vốn. Buồn quá, tôi chuyển qua nuôi cá, ba ba. Không ngờ, mấy đợt cá tai tượng, ba ba đều chết hết vì mình không có kiến thức, cũng không có kinh nghiệm”.


Đang lúc túng quẫn, thành phố có quyết định phê duyệt chương trình phát triển hoa lan, cây kiểng, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn với mong muốn thử thời vận một lần nữa xem sao! “Mấy lần tập huấn, tôi được đi tham quan những mô hình trồng lan hiệu quả, trong đó có mô hình của ông Trần Văn Bạch ở quận Bình Tân có thu nhập 700 triệu đồng/ha/năm. Tôi mê quá, về nhà quyết định bắt tay vào trồng lan”- ông nhớ lại.


Năm 2003, với số vốn 20 triệu đồng, vợ chồng ông mua 500 cây lan Mokara về trồng thử nghiệm trên mảnh vườn cạnh nhà. Vợ ông kể lại những ngày đầu đáng nhớ ấy: “Do chưa có kinh nghiệm nên khi thấy lan không phát triển do vi nấm, ông nhà tôi cứ tưởng nó èo uột vì thiếu phân, thiếu nước. Vậy là chỉ lo bón phân tưới nước mà không chú ý đến việc xịt thuốc. Kết quả là một tháng sau, toàn bộ 500 gốc lan đều bị thúi rễ”. Phải mất 3 tháng chăm sóc tận tình, những gốc lan đầu tiên mới phục hồi, ra rễ, đâm cành tươi tốt trở lại.


Một năm sau, những bông hoa đầu tiên hé nở. Không thể nói hết niềm vui của hai vợ chồng ông lúc đó. “Nhưng không ngờ gần đến ngày thu hoạch, hơn 100 cành lan đầu tiên bị kẻ trộm vào cắt sạch. Nhìn những cây lan trơ trọi, vợ chồng tôi muốn khóc” - ông kể mà giọng đượm buồn.


Trước tổn thất ấy, vợ chồng ông bảo nhau không nản lòng, cố gắng làm lại từ đầu. Ngày chăm sóc, đêm thay nhau ngủ canh vườn lan. Một tháng sau, những cây lan tiếp tục cho hoa. “Vụ thu hoạch ấy, tôi bán được hơn 400.000 đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng tôi mừng lắm. Bước đầu như vậy là thành công”.




SẴN SÀNG GIÚP NGƯỜI KHÁC VƯỢT NGHÈO


Từ thành quả ban đầu, ông quyết tâm nhân rộng diện tích trồng lan ra phần ruộng còn lại. Cuối năm 2004, vợ chồng ông bán hơn 20 con bò sữa thu được 150 triệu đồng để đầu tư trồng thêm 1.000 m2 lan Mokara và Denzo. Đầu năm 2005, ông bán mảnh vườn được 400 triệu đồng, vay thêm 500 triệu đồng cải tạo 2.000 m2 đất, làm rào, mua lan giống. Chỉ một năm sau, vườn lan đã cho thu hoạch hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.


Giờ đây, sau gần 5 năm gắn bó với nghề trồng lan, tài sản của ông có được là 10.000 gốc lan Mokara, 10.000 gốc Denzo và 15.000 cây mô giống trị giá vài tỉ đồng. Ông vui vẻ nói: “Càng làm, càng mê nên tôi quyết định xây dựng phòng nghiên cứu cấy mô để sản xuất lan giống cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, bà con xa gần, ai muốn làm ăn bằng nghề trồng lan, tôi sẵn sàng giúp cây giống, kinh nghiệm”.


Rất nhiều nông dân đã tìm đến với ông để học hỏi kinh nghiệm; nhiều người đã thoát nghèo. Anh Nguyễn Thanh Tùng ở Củ Chi cho biết: “Tôi đã được ông trực tiếp hướng dẫn từ chọn giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhưng quan trọng nhất là tôi đã học ở ông lòng say mê, sự cần cù và quyết tâm đã làm thì làm đến cùng...”. Người con trai duy nhất của ông là Trần Xuân Trí, dù đang theo học tại Trường ĐH KHXH & NV TPHCM nhưng rất giống cha ở chỗ rất mê hoa lan. Anh tâm sự: “Tôi hy vọng sau khi tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế sẽ về phụ ba mẹ phát triển vườn lan và đưa lan của gia đình xuất khẩu sang các nước. Đó cũng chính là mơ ước của ba tôi. Ông luôn mơ ước hoa lan Việt Nam không chỉ quanh quẩn trong vùng mà phải khoe sắc hương ở các nước”.




Ông Trần Văn Xê tâm sự: “Từng tham quan mô hình trồng hoa tại Thái Lan, tôi nhận thấy, ngoài việc trồng hoa, người dân Thái còn có chợ hoa dành cho những nông dân trồng hoa đến trao đổi, mua bán. Tôi mong tại TPHCM có một chợ hoa như thế để người trồng hoa tránh được tình trạng bị ép giá, có được lợi nhuận cao nhất.

(BÀI VÀ ẢNH: HUỲNH NGA )


TIN TỨC 3 :

LÀM GIÀU TỪ NGHỀ TRỒNG LAN
(Theo báo BRVT)



Ở xã An Nhứt, huyện Long Điền (BR-VT) có gia đình anh Trần Thanh Phương làm giàu bằng nghề trồng hoa lan. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, thích hợp với diện tích đất nhỏ hẹp, và đang được nhiều bà con nông dân học tập.


Nghề trồng hoa lan đến với anh Phương rất tình cờ. Từ một nông dân chân lấm tay bùn, vốn yêu thích hoa, cây cảnh, năm 1995 anh bắt đầu trồng thử nghiệm hoa lan. Lúc đầu anh chỉ trồng chơi, rồi trở thành niềm đam mê lúc nào không hay. Nhận thấy nhu cầu chơi hoa trên thị trường, đặc biệt là người dân thị thành ngày một nhiều, từ năm 1997 anh Phương nhân rộng mô hình trồng lan của gia đình. Trên diện tích vườn rộng hơn 200m2, anh đầu tư 20 triệu đồng ươm 3.000 giò lan và xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước bảo đảm nhiệt độ và độ ẩm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Cây hoa lan được anh gom từ các mối lái, nậu vựa trong và ngoài tỉnh. Sau khi nhập về anh tự xử lý hoa bằng hóa chất để loại bỏ nấm và bệnh hại.


Anh Phương tâm sự: Thời gian đầu anh bị thất bại trong việc chinh phục loài hoa khó tính này. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng và che phủ nên khi nắng nhiều cây bị cháy lá, mưa nhiều thì cây bị thối rễ. Anh phải tìm mua sách kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan về đọc để có thêm kiến thức, cùng với việc đúc rút kinh nghiệm trong thực tiễn nên vườn lan nhà anh ngày một phát triển tốt.


Anh Phương cho biết, trồng lan có nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc từng kiểu trồng như: trồng trong chậu đất nung, có lỗ thoáng sẽ giúp lan phát triển tốt hơn; trồng ghép trên thân cây khác thì dùng thân cây còn sống nhưng cần tỉa bớt tán nhánh và ghép ở phía ánh nắng chiếu vào. Nếu ghép lan với các thân cây đã khô, cần phải cắt cây thành khúc ngắn để dễ treo... khi trồng xong nên để cây ở nơi mát mẻ, có độ ẩm cao cho đến khi rễ non phát triển mới chuyển dần ra nơi có ánh sáng phù hợp... Để cây phát triển tốt, khu nhân cấy lan được anh đầu tư hệ thống khung giàn, giàn tưới, phun sương... bảo đảm ánh sáng và độ ẩm thích hợp. Theo kinh nghiệm của anh Phương, hoa lan khá nhạy cảm với thời tiết, nhưng không khó trồng như nhiều người nghĩ, đặc biệt chúng có khả năng sinh trưởng trong nhiều môi trường khác nhau.


Nhờ áp dụng phương pháp trồng, chăm sóc và đầu tư hợp lý, diện tích và số giỏ lan của gia đình anh ngày một nhiều. Đến nay, vườn hoa lan nhà anh đã phát triển với hàng ngàn giỏ. Nắm bắt quy luật thị trường là những loại cây nào trồng nhiều sẽ khó bán nên anh chỉ trồng hai loại lan chính là ngọc điểm rừng và ngọc điểmThái Lan. Lan của anh có chất lượng tốt, đẹp nên khách hàng tự tìm đến với vườn lan của anh ngày một nhiều, trong đó, có nhiều mối lái đến từ các tỉnh thành như: TP. Hồ Chí Minh, Nam Định…Với giá bán 120 ngàn đồng/giỏ, vườn lan của anh Phương đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.


Nhận thấy mô hình trồng lan của anh Phương đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã có một vài người trong xã tìm đến học hỏi kinh nghiệm để đầu tư trồng lan, phát triển kinh tế gia đình.


TIN TỨC 4 :



TÌM ĐƯỜNG BÀI BẢN HÓA NGÀNH HOA LAN, CÂY CẢNH

(VIETNAMNET) - TP.HCM LÀ NƠI TIÊU THỤ HOA TƯƠI, ĐẶC BIỆT LÀ HOA LAN VỚI SỐ LƯỢNG LỚN NHƯNG HIỆN LƯỢNG HOA SẢN XUẤT TẠI CHỖ CHỈ MỚI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC 15% NHU CẦU, MỘT SỐ ĐƯỢC ĐƯA VỀ TỪ ĐÀ LẠT (35%) VÀ PHẦN LỚN (50%) LÀ PHẢI NHẬP TỪ NƯỚC NGOÀI NHƯ THÁI LAN, ĐÀI LOAN.



TRỒNG HOA LAN: NGHỀ TIỀM NĂNG

Tại khu vực Đông Nam Á ngành hoa lan phát triển rất mạnh, Thái Lan là nước xuất khẩu lan nhiều nhất thế giới (có đến 1.000 giống hoa lan), tại Malaysia thì Chính phủ đã qui họach hẳn 300 ha đất ở Johor và giao cho Hiệp hội hoa lan tổ chức thành khu “Trung tâm sản xuất hoa cảnh xuất khẩu” và ngành trồng hoa lan Đài Loan cũng đang tăng nhanh tốc độ từ 15-20%, đạt doanh thu hằng năm hơn 9,3 tỷ đài tệ.

Ở VN, nghề trồng lan "sinh sau đẻ muộn" hơn các nước rất nhiều, mãi cho đến nay vẫn chưa có một tổ chức, hiệp hội nào đứng ra chủ trì hoạt động cho ngành này. Việc trồng lan trên địa bàn TP.HCM lâu nay chủ yếu là do tự phát nên diện tích trồng còn nhỏ lẻ, manh mún và trình độ tay nghề nông dân chưa đồng đều.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật & Khuyến nông, mỗi tuần TP.HCM phải nhập hơn 20 ngàn cành lan từ Thái Lan, như vậy hàng năm TP phải nhập hơn một triệu cành lan với giá nhập khoảng 4.000 đồng/cành, tính ra mỗi năm phải chi hơn 4 tỷ đồng chỉ để nhập lan cắt cành.

Ngày 24/6 tại TP.HCM Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP.HCM đã tổ chức chương trình hội thảo “Hiện trạng và hướng phát triển hoa lan trên địa bàn” nhằm tìm lối đi chuyên nghiệp, bài bản hơn cho nghề trồng lan.

BẮT TAY PHÁT TRIỂN NGÀNH LAN

Theo các nhà kinh doanh trong ngành hoa tươi, hiện việc sản xuất hoa lan ở TP.HCM chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thị trường. Những nhà trồng lan luôn phải chạy theo người khác vì chưa chủ động được nguồn giống. Mỗi khi thị trường hoa xuất hiện một loại lan ngoại nhập mới thì nhà vườn bắt đầu chạy theo nhập giống mới, cứ như thế chúng ta phải nhập giống và thay giống theo kiểu lệ thuộc vào sự “định hướng” từ thị trường bên ngoài. Ngoài việc không nắm bắt được tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng thì các yếu tố kỹ thuật sản xuất lan chúng ta còn kém, nhiều nhà vườn đã bán ra sản phẩm không đạt yêu cầu.

Trước những tồn tại trên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo cho Sở Nông nghiệp mau chóng phối hợp với các ban ngành liên quan XÂY DỰNG TRUNG TÂM TRIỂN LÃM GIAO DỊCH HOA LAN CÂY CẢNH (dự kiến sẽ đặt tại Củ Chi) và XÂY DỰNG VÙNG CHUYÊN CANH (giao 10 hộ nông dân có diện tích lớn, làm ăn hiệu quả chủ trì). Ngoài ra, Sở Nông nghiệp còn có nhiệm vụ tìm đầu mối cung cấp giống hoa cho nông dân và tìm đầu ra cho ngành hoa lan như sử dụng các công ty kinh doanh trong ngành hoa làm hệ thống vệ tinh.

Để xúc tiến dự án phát triển ngành lan, cũng theo ông Nhân, trước mắt phải thành lập Ban chỉ đạo chương trình phát triển hoa lan do một Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp làm trưởng ban. Theo đó, từ nay đến ngày 30/7/05 Ban chỉ đạo phải hoàn tất giai đoạn 1 (tổ chức đối thoại với nhà vườn), 30/8/05 hoàn tất phương án 2 (lấy ý kiến nhà sản xuất, kinh doanh) và đến ngày 30/10/05 phải xong phương án phát triển ngành lan để UBND TP.HCM phê duyệt chương trình.

No comments:

Post a Comment