7/02/2012

Lan lá gấm hay còn gọi là cây kim cương

Gần đây các trang web và các báo trong nước rầm rộ lên các tựa: "Săn cây Kim Cương ở Đông Trường Sơn" (báo Thanh Niên), "Ngăn học sinh bỏ học đi hái 'cây Kim Cương'" (báo Tuổi Trẻ) hay là "'Cơn sốt' mới: săn cây Kim Cương".

Thoạt tiên chúng ta chỉ cho đó là chuyện nhỏ, nhưng hãy chịu khó tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những chuyện đã xẩy ra trong quá khứ:

Thương lái Trung Quốc về các chợ nông thôn Việt Nam thu mua móng trâu với giá rất cao, thậm chí những cái móng từ 4 chân của một con trâu được bọn thương lái Tàu mua với giá hơn hẳn một con trâu. Thế là nông dân Việt Nam và bọn "trâu tặc" ra sức chặt móng trâu đem bán… vẫn còn lãi một con trâu thịt mang bán ở chợ. Chỉ một thời gian rất ngắn, bọn chúng đã triệt phá tan hoang sức kéo của nông dân nghèo Việt Nam. Tiếp đó, dân loan tin cho nhau, hàng lũ lái trâu từ bên Tàu tràn qua biên giới để "tiếp thị" bán trâu. Trong cái lũ thương lái mới này còn có cả kẻ tiếp thị bán trâu sắt (máy kéo). Dân tình vỡ lẽ: Thì ra chúng thu mua móng trâu là vì như thế!

Ở một nơi khác, thương lái Tàu đi các chợ thu mua rễ hồi, thế là những bọn "hồi tặc" mở chiến dịch triệt phá rừng hồi, một dược liệu quý hiếm của Việt Nam; chúng mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán, đánh vào trúng cái dạ dày của những người mà bọn Tàu gọi là "đồng chí tốt" Việt Nam; chúng thu mua mèo nhằm triệt phá một nguồn trừ chuột cắn lúa; rồi chúng mua ốc bươu vàng, xúi giục nông dân nuôi ốc bươu vàng tràn ngập đồng ruộng phá hoại mùa màng, tấn công vào chiến lược an ninh lương thực của quốc gia "láng giềng tốt" Việt Nam.

Hàng tốp thương lái Tàu xuất hiện từ Hà Giang cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần chế biến. Thương lái Tàu mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt trụi đồi chè mang bán. Thế là thương lái Tàu đã triệt hạ vùng nguyên liệu cho các nhà máy chè Việt Nam. Không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp chè Việt Nam phải sang mua chè nguyên liệu từ Trung Quốc. Đến khi nông dân Việt Nam cần trồng lại đồi chè, thì các "đồng chí tốt" từ bên kia biên giới, vì tình quốc tế vô sản lại lọ mọ xuất hiện, "giúp" mua giống chè từ Trung Quốc chở qua cho nông dân Việt Nam.

Thâm độc hơn, chúng mở chiến dịch thu mua dây đồng vụn với giá cao "trên trời", đẩy từng đoàn "đồng tặc" lùng sục chặt trộm dây đồng từ các đường điện cao thế, băm nát mạng lưới điện quốc gia của nước "láng giềng tốt" để nước này đốt đèn dầu đi theo họ "hướng tới tương lai". Có nơi, bọn "đồng tặc" lẻn vào kho ăn cắp từng cuộn dây đồng mới "coong" mang bán, thì "các đồng chí tốt" lên mặt đạo đức: "Ấy chết, cái ngộ không mua cái cuộn dây tôồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các tôồng chí tâu lố!" (Chúng tôi không mua cái cuộn dây đồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các đồng chí đâu nhé).

Cho đến khi bọn thương lái Tàu đi thu mua cáp quang phế liệu, thì các nhà đương cục của chúng ta mới được phen ngớ ra, không hiểu bọn chúng mua cái "của nợ" này để làm gì. Vì mua dây đồng thì còn có thể hiểu là chúng lấy nguyên liệu, nhưng cáp quang thì thật không thể hiểu được chúng mua để làm gì? Đến khi dân nghèo lặn xuống biển chặt phá mạng cáp quang viễn thông, thì mới "ngã ngửa" ra, là chúng đang phá hoại con đường huyết mạch thông tin của Việt Nam… Chắc là các "đồng chí Việt Nam" nghĩ mãi không biết xử thế nào với những người "đồng chí tốt" bên nước vô sản Trung Hoa, đành phải đưa ra tòa vài thằng dân nghèo "trót dại" lặn xuống biển chặt trộm cáp quang.

Còn rất nhiều chuyện nữa từ dệt may, xe gắn máy cho đến mua bán, bắt cóc phụ nữ sang làm gái điếm v.v… nếu tổng hợp lại sẽ thấy không phải là những chuyện lẻ tẻ mà là mưu mô thâm độc của "người láng giềng tốt bụng" mà chỉ có những kẻ tự xưng là đỉnh cao của trí tuệ nhìn không thấy.

Trở lại vấn đề các bản tin về cây "Kim Cương" hay Lan lá Gấm xin mời các bạn hãy đọc qua những bài báo sau đây:

• Từ ngày cây kim cương bị săn lùng ráo riết, nhiều lớp học vắng hoe học sinh, thầy cô giáo lại tìm đến từng nhà để kêu gọi học sinh trở lại lớp. Các trưởng thôn phải tổ chức họp dân cùng già làng "quán triệt", nghiêm cấm học sinh vào rừng hái cây kim cương nhưng xem ra không hiệu quả.









Cây Cây


Trước thực trạng này, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kon Plông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, Phòng sẽ cử cán bộ đến các xã "trọng điểm" để phối hợp cùng chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học vào rừng hái cây kim cương, đồng thời yêu cầu các trường trên địa bàn huyện tăng cường kiểm tra, tích cực tuyên truyền vận động học sinh không vì cây kim cương mà bỏ học.

Cây • Theo trưởng thôn A Jơn, loại cây này trước đây mọc đầy quanh nhà nhưng bà con trong thôn không ai để ý đến chúng, đến khi có người từ xa đến hỏi mua, ban đầu 250.000 đồng/kg, rồi giá tăng vọt mỗi ngày. Do nhiều người tìm hái nên bây giờ muốn hái cây kim cương phải đi vào tận rừng sâu mới có.

Già làng Vi Xây (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết: "Cả làng mình có 24 hộ, hơn 100 nhân khẩu. Những ngày này chỉ có tụi trẻ con ở nhà thôi, còn tất cả người lớn đều vào rừng sâu tìm kiếm cây kim cương". Hỏi về tác dụng của loại cây này, già làng lắc đầu: "Ồ mình không biết nó dùng để chữa bệnh gì. Chỉ thấy mấy người buôn bán hỏi mua, có bao nhiêu họ cũng mua hết, giá 600.000 đồng/kg cây tươi, còn khô thì giá 7 triệu đồng/kg. Ai mà tìm trúng cây kim cương có thể kiếm được cả triệu đồng một ngày…".


Giá cao vì là thuốc quý?

• BS Lê Nam Khánh, Phó giám đốc Y tế tỉnh Kon Tum, khẳng định: "Theo các sách y học VN thì cây kim cương là loại thân mềm, màu tím, mặt trên của lá có nhiều sọc trắng dạng hình thoi, khi ăn vào có vị ngọt, giống như các loại rau thường ăn hằng ngày, không độc. Sách y học không ghi nhận loại cây kim cương dùng làm thuốc chữa bệnh, tuy nhiên một số người cho rằng dùng cây này giá trị cao và có tác dụng chữa bệnh tim mạch, thực hư ra sao cần sớm được làm rõ. Người ta thu mua cây kim cương rồi vận chuyển bán sang Trung Quốc, Đài Loan, chứ không tiêu thụ tại VN".

• Còn ông Đặng Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, thì nói: "Tôi cũng chưa nắm rõ công dụng của loại cây này, chỉ biết chúng mọc dưới tán lá rừng, nơi vùng đất ẩm ướt, và nghe nói rằng khi ăn vào sẽ tăng cường sinh lực, bồi bổ cho sức khỏe…".









Ludisia discolor
Ludisia discolor
Anoectochilus roxburghii
Anoectochilus roxburghii


• Chiều ngày 1.11, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Huỳnh Tấn Phục cho biết: "Tuy chưa rõ công dụng của lá kim cương là thế nào nhưng được thu mua với giá cao như vậy, chắc chắn đây là một loại cây quý, rất cần các nhà chuyên môn nghiên cứu và có kết luận chính thức, để huyện sớm có chủ trương bảo tồn và phát triển".

• Sau khi xem ảnh, TS Thanh Tâm, Giám đốc trung tâm y tế Sơn Hà cho biết: tuy là một vị thuốc đông y nhưng Lan lá gấm không phải là vị thuốc thông dụng lắm. Lan lá gấm có vị ngọt, chát, tính mát, có tác dụng tư âm (bổ dưỡng mặt âm), an thần, nhuận phế (mát phổi), sinh tân dịch, tiêu viêm.

Bởi vậy, Lan lá gấm được dùng để chữa lao phổi, khô phổi, ho, khạc ra máu, thần kinh suy nhược chứ không phải để chữa tim mạch hay ung thư như người ta đồn đại.


• Một số các chuyên gia khác cho hay: ở Đài Loan, cây Lan lá gấm là một loại cây nổi tiếng vô cùng quý giá có bán tại các tiệm thuốc Bắc hoặc dùng trong nhân dân. Cây Lan gấm có tác dụng: tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông. Ngoài ra người ta còn dùng cây này để chữa thần kinh suy nhược, chữa ho khan, đau họng, cao huyết áp, suy thận, chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính.

Cây Lan lá gấm dùng cả cây tươi hoặc khô sắc uống. Liều dùng trong ngày khoảng 20g tươi hoặc 5g khô. Dùng ngoài: cả cây tươi giã nát đắp chỗ vết thương sưng đau.


• Anh Phạm Quốc Việt: Chúng ta đã từng mất biết bao nhiêu tài nguyên quý hiếm (như sâm Ngọc Linh, cây gỗ Sưa...) nhưng điều đáng nói ở đây là những tài nguyên này được sử dụng ở trong nước rất ít, trong khi đó phần lớn là được các lái buôn Trung Quốc mua với giá rất rẻ giá so với giá trị thực của nó. Nay đến vụ "cây kim cương", để khắc phục tình trạng "chảy máu" các loại tài nguyên này ra nước ngoài, và cũng để bảo vệ nguồn tài nguyên của chúng ta không bị cạn kiệt, các cấp chức năng có thẩm quyền nên vào cuộc sớm và quyến liệt hơn. Đừng để "Sâm Ngọc Linh thứ hai" "chảy máu".

Cần phải bảo tồn

Theo các tài liệu, cây kim cương (không rõ tại sao dân chúng đặt tên là cây Kim Cương, không biết có phải là cây hái ra tiền, kim cương hay không) còn có các tên khác là lan gấm, kim tuyến liên, lá gấm…, tên khoa học là Anoechilus roxburghii hay Ludisia discolor, thuộc họ: Lan (Orchidaceae), thường mọc ở vùng rừng già Tây Nguyên. Cây Lan gấm là loài địa lan thân bò rồi đứng, cao khoảng 20 cm, thân tròn có nhiều nách. Lá trơn hình trứng hay hình ê líp, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp phân bổ như mạng nhện từ 5 chủ mạch gân chính nên gọi là Kim tuyến liên. Mùa đông xuân cây nở hoa màu trắng, nhụy hoa có lông. Ở VN, chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại cây này.

Thời gian qua biết bao nhiêu loài lan hiếm quý của chúng ta như Lan hài, lan Hoảng Thảo bị thu mua như mớ rơm mớ rạ, nay lại đến lan Lá gấm hay lan Kim Cương mà những người có trách nhiệm chẳng ai nêu ra một biện pháp nào để bảo tồn.

Nhưng việc cần phải bảo tồn hơn cả là đừng để các trẻ em học sinh, một nguồn vốn hiếm quý, là tương lai của tổ quốc phải bỏ học để đi tìm cây lá, để nhặt rác kiếm sống hay bất cứ vì một lý do nào khác. Trách nhiệm này là của cha mẹ hay của những ngừoi lãnh đạo đất nuớc? Đừng quy tội cho những thầy cô giáo mà tội nghiệp.

 
11-2010

Nguyễn Nam Sách

No comments:

Post a Comment