7/28/2012

Giá thể trồng lan - Liệt kê Giới thiệu các loại giá thể trồng lan

Giá thể trồng lan - Liệt kê Giới thiệu các loại giá thể trồng phong lan


Giá thể (chất trồng) trồng hoa lan rất quan trọng, liên quan đến suốt quá trình sinh trưởng và phát triển cũng như hiệu quả kinh tế. Các chất trồng được sử dụng hiện nay gồm than củi, gạch non (đất sét nung), đá bọt bazan, dớn cọng, dớn mềm, vỏ dừa miếng, vỏ dừa chặt khúc, một số loại đá khoáng tự nhiên... Tuy nhiên, nhiều người trồng lan vẫn còn tùy tiện sử dụng giá thể không phù hợp, làm cây lan chậm phát triển.

Để lựa chọn chất trồng phù hợp từng loại lan, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ KHKT (Viện KHKTNN miền Nam) có những lưu ý như sau:

Chất trồng ( Giá thể ) thông dụng


Than củi: Được dùng khá phổ biến, là một chất trồng tốt vì không bị mục, sạch bệnh, tạo thông thoáng cho hệ rễ lan phát triển. Than sẽ hấp thụ dinh dưỡng qua quá trình bón phân và cung cấp dưỡng chất qua sức hút rất mạnh của rễ lan. Than được dùng ở đây là loại than gỗ rừng, được nung (hun) thật chín. Tránh tuyệt đối dùng các loại than gỗ rừng sác (như than đước) vì hàm lượng NaCl trong than cao, dễ làm chết lan. Than được chặt nhỏ vừa (kích thước 1 x 3 x 2 cm), không nên chặt quá nhỏ sẽ làm cản trở hô hấp của rễ. Nhược điểm là giữ ẩm kém, giá thành khá cao.

 

Vỏ dừa chặt khúc: Có khả năng giữ ẩm tốt và chất dinh dưỡng được cung cấp từ phân bón giúp cho rễ phát triển tốt. Vỏ dừa chặt khúc nhỏ (1 x 3 x 2 cm) xử lý bằng nước vôi 5% hoặc NaOH 2%. Nhược điểm là không bền, dễ bị rong rêu phát triển trên bề mặt.





Vỏ dừa miếng: Đây là chất trồng lan chủ yếu của người Thái, dễ công nghiệp hóa nếu sản xuất lan đại trà trên quy mô lớn. Nhưng do số lượng nhiều và rất rẻ nên vỏ dừa miếng được trồng thành băng trên hệ thống giàn. Nếu dùng vỏ dừa miếng trồng chậu phải hạn chế tưới nước. Tốt nhất là tạo điều kiện đảm bảo ẩm độ bên ngoài hơn là trong chậu. Vỏ dừa miếng lại là môi trường rất tốt cho đa số các loài lan thuộc giống Dendrobium. Khuyết điểm là dễ mọc rêu, không thoáng, dễ mục. Đối với chất trồng này phải phun thuốc ngừa sâu bệnh thường xuyên.

Dớn cọng: Đây là dạng sợi của thân và rễ cây dương xỉ (Cybotium baronletz) là một loại cây mọc nhiều ở các vùng thung lũng đồi núi Đà Lạt. Sở dĩ dớn cọng được chọn vì không bao giờ đóng rêu, rất lâu mục, ít bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, tạo thông thoáng cho hệ rễ. Nhược điểm là hút ẩm và hấp thu phân bón kém.



 

Dớn mềm: Xuất thân từ rêu biển, được nhập khẩu từ nước ngoài và đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam. Dớn mềm có ưu điểm giữ ẩm rất tốt và rất thích hợp cho hệ rễ lan phát triển. Giá cao, dễ bị rong rêu, úng nước trong mùa mưa.



 

Đất sét nung: Đây là loại giá thể nhân tạo được làm từ đất sét dạng viên lục giác hoặc viên đùn thỏi phù hợp theo kích thước của giá thể than củi hoặc dừa miếng. Đất sét nung khá phù hợp cho nhiều loại lan.

Đá bọt: Đây là loại đá bọt bazan, cung cấp thêm các nguyên tố dinh dưỡng khoáng cho lan.

Ngoài ra giá thể trồng lan còn có vỏ cafe, vỏ đậu phộng ...

Thành phần giá thể phù hợp cho từng nhóm lan


Giá thể trồng Cattleya: Cấu tạo giá thể là điều kiện quyết định sự phát triển của lan Cattleya, vì thế việc cấu tạo giá thể thay đổi tùy theo vùng và tùy theo mùa trong năm. Ở TP. Hồ Chí Minh, phương pháp trồng trên thân cây sống và thân cây chết thì giá thể chính là lớp vỏ của thân cây được trồng. Phương pháp trồng chậu thì giá thể phải thật thoáng. Một giá thể quá bí thì giúp người trồng ít phải tưới nước, nhưng cây rất dễ bị chết vì thối rễ, nhất là trong mùa mưa. Một giá thể với phần đáy thật thoáng tránh được sự úng nước và phần bề mặt hơi khít kín rất tốt cho sự phát triển của Cattleya. Vì thế, hiện nay một số nhà vườn trồng Cattleya không cần chất liệu để trồng, chỉ cần chậu làm bằng gỗ thông thoáng và buộc cây vào giữa chậu, rễ phát triển tốt. Tuy nhiên, một số vẫn trồng với giá thể là dớn cọng.


Đối với vùng lạnh, cấu tạo giá thể quá thông thoáng sẽ bất lợi cho sự sinh trưởng, vì nhiệt độ lạnh ban đêm sẽ làm các đầu rễ đui đi và bộ rễ teo dần, cây phát triển èo uột. Một giá thể bít kín sẽ giúp rễ có độ ấm để phát triển, do đó ở Đà Lạt người ta dùng các loại dớn vụn để làm giá thể trồng lan.

Giá thể trồng Dendrobium: Chậu trồng phải thật thoáng và không úng nước. Tuy nhiên, do bản năng sinh học và cấu trúc thực vật với giả hành có thân, các loài thuộc giống Dendrobium có thể dùng giá thể hơi ẩm hơn Cattleya chút ít nhưng không được làm thối căn hành. Vì thế một số loài Dendrobium có thể phát triển trên các giá thể là xơ dừa, than hay vỏ dừa chặt khúc. Nếu giá thể là xơ dừa phải hạn chế số lần tưới nước, nếu không cây bị thối vì quá ẩm. Tuy nhiên, giá thể than và vỏ dừa chặt khúc vẫn tỏ ra hiệu quả nhất.

Giá thể trồng Hồ điệp: Một cách trồng chung nhất cho các loại đơn thân là chậu thật thoáng, càng thoáng càng tốt, có thể đến mức cực đoan chỉ dùng chậu như giá thể duy nhất, tuy nhiên chỉ áp dụng cho nơi nào điều kiện ẩm độ ổn định, sự thông gió không đổi và nhất là tiểu khí hậu thật điều hòa. Do đó chậu phải thật sạch, không có dấu vết của bất kỳ loài rêu nào bám trên thành chậu. Thường các nhà trồng lan dùng than, vỏ dừa chặt khúc, dớn mềm mà bên dưới chậu có thể thêm xốp nhân tạo tạo độ thoáng làm giá thể cho Hồ điệp. Với cách trồng này, khi cây đã thích nghi sẽ phát triển mạnh trong tương lai và trong chậu hình như không có một cái rễ nào bị thối.



Giá thể trồng Vanda: Vanda là một loại lan không có mùa nghỉ, một biến cố khô hạn rất dễ làm các loài giống này rụng hết phần lá gần gốc. Tuy nhiên, ẩm độ cục bộ trong chậu quá cao dễ làm cho các rễ bị thối. Vì thế, cấu tạo giá thể thật thoáng cho các loài thuộc giống Vanda và Mokara là điều kiện bắt buộc. Việc duy trì ẩm độ ổn định là cố gắng của các nhà vườn thông qua sự tưới hàng ngày. Vanda được trồng treo với 1 giỏ hay hộp ghép bằng gỗ thanh để rễ lan đan xen bám giữ mà không cần giá thể bên trong.

 

Giá thể cho Mokara: Mokara thường được trồng thành liếp dưới đất, chất trồng bằng vỏ đậu phộng khô với độ dày khoảng 10 - 15 cm ban đầu, sau thời gian vỏ đậu phộng xẹp xuống có thể bổ sung thêm vỏ đậu phộng để tạo lớp nền cho rễ lan bám xuống.

Giá thể trồng lan Oncidium: Tương tự như trồng Dendrobium, chất trồng có thể là vỏ dừa chặt khúc, than.

Giá thể trồng lan Paphiopedilum: Paphiopedilum là loài lan đất nên giá thể gồm 2 phần tro trấu, 1 phần đất mùn + 1 phần phân bò hoai + 1/20 bánh dầu xay nhuyễn, có thể tưới thêm phân NPK 30-10-10, tưới 2 lần/tuần trong suốt mùa tăng trưởng.

Giá thể cho Cymbidium: gồm 1/2 dớn + 1/2 vỏ thông hay 1/3 dớn + 2/3 vỏ thông. Ánh sáng 50%. Tiêu chuẩn một giá thể tốt cho Cymbidium là: giữ ẩm tốt, thoáng khí, chậm phân hủy, chứa nhiều dinh dưỡng, rẻ tiền, dễ kiếm và trữ lượng cao trong tự nhiên, pH giá thể từ 6,5 - 7,0.

Các loại vật liệu có thể dùng làm giá thể: dớn, dớn sợi, vỏ thông, mùn cưa, xơ dừa, than vụn, gạch, đá vụn, lá cây mục... Cho đến nay, dớn vẫn là loại tốt nhất cho Cymbidium vì giữ ẩm cao, thông thoáng, giàu dinh dưỡng (nhất là K và N), chậm phân hủy. Nhưng hiện nay trữ lượng dớn ngày càng ít đi, giá khá đắt và việc khai thác dớn làm hư hại nhiều cho các khu rừng già. Để nuôi trồng Cymbidium ở quy mô lớn, dớn sẽ không đáp ứng đủ.

Vỏ thông và mùn cưa là một loại giá thể có thể đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và kinh tế nhưng lại nghèo dinh dưỡng. Vỏ thông và mùn cưa tươi không dùng được vì hàm lượng dầu còn cao, có thể làm hư bộ rễ. Trước khi sử dụng cần phải ủ cho hoại mục. Khi ủ, trộn 1 m3 vỏ thông xay nhuyễn với 10 kg apatit, 10 kg vôi, 1 kg các loại phân vô cơ khác (KCl, K2SO4) thời gian ủ trên 6 tháng. Trong khi ủ cần tưới ẩm thường xuyên. Có thể dùng vỏ thông thuần túy hay trộn với các loại khác như dớn, than vụn, gạch vụn để làm giá thể.

No comments:

Post a Comment