6/28/2012

Thế giới sắc màu hoa phong lan Dendro

Ảnh Thế giới sắc màu hoa phong lan Dendro


Với những tay chơi sành điệu về phong lan thì thích sưu tầm các loại lan Cattleya, vanda, hồ điệp… vì sự quý phái của các giống hoa này. Nhưng đối với những người chơi lan nghiệp dư (phong trào) thì các loại hoa lan này thuộc hàng cao cấp, giống hiếm, giá bán cao và khó chăm sóc, vì vậy loại lan Dendro là cách chọn phù hợp nhất.

Lan Dendro có nhiều ưu điểm: nở hoa quanh năm, lâu tàn và có nhiều màu sắc phong phú; là loại lan dễ trồng trong mọi môi trường, dễ chăm sóc và việc tách chiết nhân giống rất tiện lợi.


Nhiều người cho rằng, đến với lan Dendro là đến với thế giới sắc màu của hoa. Các bạn xem nhé!











dendro Trắng



dendro vàng



dendro tím



dendro phớt xanh



 

dendro xanh Thái



 

dendro tím tuyền



 

dendro trắng tím









 

dendro trắng lưỡi tím












Lan Dendro có một vẻ đẹp độc đáo là đài hoa khi còn nụ ôm lấy môi (lưỡi) hoa và cánh hoa, nhưng khi nở lại trở thành cánh hoa với những sắc màu đặc trưng của từng loại hoa. Tuy nhiên, vẻ đẹp của môi (lưỡi) của loại lan Dendro đã làm cho nhiều người phải ngạc nhiên và thích thú, bởi sự tinh tế của tạo hóa ban tặng cho loại phong lan này.
















Lan Dendro có một nét đặc trưng không thể nhầm lẫn với các loại khác, đó là thân cây (giả hành) thẳng, có nhiều khúc đoạn theo lá mà tạo thành. Có 2 loại: loại mini chỉ cao chừng 1 gang tay (từ 10 – 20 cm) phù hợp với chậu nhỏ trang trí, để trên bàn khách; Còn Lan Dendro loại lớn có thể cao từ 0,3 - 1,5 m có thể treo ngoài sân vườn hoặc trưng bày trang trí trong nhà. Lan Dendro có thể trồng trong chậu hoặc cho bám vào các thân cây lớn trong sân, hoặc vườn nhà.

 





Hiện nay, lan Dendro được nhân giống bằng cấy mô trở nên phổ biến, nhưng cũng có cách tách chiết truyền thống là “3 mẹ - 1 con”, nghĩa là 3 thân (giả hành) và kèm một chồi con. Để tách chiết nhân giống thì bạn nên chọn những chậu lan Dendro có nhiều thân cây và chồi con thì mới đạt kết quả. Phương pháp thế này, trước khi tách chiết, bạn ngâm chậu cây lan đó vào thau nước cho ngập gốc chậu lan, sau thời gian khoảng 30 phút thì rễ lan no nước và không còn bám vào mặt chậu nữa, bạn nhổ cây ra ngoài chậu, để ráo nước khoảng 2 – 3 giờ. Sau đó bạn chọn “3 mẹ -1 con” rồi dùng dao thật sắc để tách cây. Có thể bạn dùng thuốc hoặc vôi (vôi ăn trầu của các cụ cũng được) rịt vào vết thương để chống nấm xâm nhập vào thân cây.

Phương pháp vô chậu cây lan mới tách có nhiều cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo các yếu tố: Chậu thoáng, than xiên, cây vững, đế cây bày mặt.



Chậu hoa này các giả hành tuy già, rụng lá nhưng chăm sóc tốt vẫn ra vòi hoa. Hơn nữa các giả hành này là các "kho" chứa dinh dưỡng để giúp tược, chồi cây con phát triển mạnh, sung sức.



P/S: Một số phương pháp, kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan bằng thực tiễn thì không thể nói hết trong bài này, vì cần phải “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” thì mới hiệu quả được. Tuy nhiên cũng cần chú ý, vì rễ cây phong lan nói chung và loại Dendro nói riêng đều là loại rễ ống nên không thích hợp với việc ứ nước trong chậu. Rễ lan là loại rễ hút không khí nước (độ ẩm) qua các lông mao của rễ, chứ không hút nước trực tiếp như các loài cây thân gỗ khác. Vì vậy, nên vị trí trồng phong lan cần phải thoáng, có ánh sáng, độ ẩm cao. Đặc biệt chậu trồng phải thông thoáng để rễ cây lan không bị nghẹn ứ nước. Khi tưới lan thì bạn nên dùng vòi phun sương để tưới đều khắp và đồng thời tạo ẩm xung quanh cho rễ lan hấp thụ nước.

Nếu bạn chăm sóc tốt như thế lan mới phát triển và nở hoa tặng bạn.

No comments:

Post a Comment