6/28/2012

Hướng dẫn trồng và chăm sóc các loại hoa phong lan

Hướng dẫn trồng và chăm sóc các loại hoa phong lan

Phong lan là loài hoa nở lâu ngày và được nhiều người chọn để làm đẹp cho nhà mình. Tuy nhiên, đây là một loại hoa khó trồng, nếu không biết cách chăm sóc, nó rất dễ chết. Dưới đây là một số kỹ thuật trồng.

Trồng trong chậu

Nên trồng vào các chậu đất nung sẽ giúp phong lan phát triển tốt hơn. Chọn chậu có nhiều lỗ thoáng. Trước khi trồng hoa, phải rửa sạch chậu. Nên cho đất to xuống đáy chậu và đất nhỏ trên bề mặt.

Trồng ghép trên thân cây khác

Bạn có thể dùng thân cây còn sống để trồng ghép, nhưng cần tỉa bớt tán nhánh. Chú ý là không phải vị trí nào của thân cây cũng có thể ghép được. Cây chỉ phát triển tốt khi chúng được ghép ở phía ánh sáng ban mai chiếu vào (hướng đông). Cách trồng này thích hợp cho hầu hết các giống lan, đặc biệt là lan rừng.

Nếu muốn ghép lan với các thân cây đã chết, bạn phải cắt cây thành khúc ngắn để dễ treo. Nên chọn những cây mục và bóc vỏ đi vì vỏ sẽ là nơi trú ẩn của côn trùng phá hoại. Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây để giữ ẩm rồi buộc chằng lên đó gốc lan. Nếu bạn trồng vào những ngày mưa hoặc thời tiết quá ẩm thì không cần phải buộc xơ dừa.

Trồng thành băng xơ dừa

Chọn xơ của những quả dừa già và khô rồi xé ra từng mảnh to bằng nửa bàn tay. Sắp các mảnh sát nhau thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre và giữ chặt chúng lại bằng 2 thanh nẹp tre. Để tránh úng nước, bạn có thể đục một lỗ nhỏ dưới miếng xơ dừa rồi mới trồng. Sau 2-3 năm, khi xơ dừa đã mục có thể thay băng khác.

Một số điểm cần lưu ý

Khi trồng xong nên để cây ở nơi mát mẻ có độ ẩm cao cho đến khi rễ non phát triển mới chuyển dần ra nơi có ánh sáng phù hợp. Sau khi trồng 1-2 ngày không cần tưới nước ngay vì dễ bị thối cây. Phải thường xuyên quan sát xem đất còn đủ độ ẩm hay đã khô. Cần tưới nước dưới dạng phun sương. Khi rễ cây phát triển đều mới mới bón phân. Có thể bón phân hữu cơ (nước tiểu, phân và xác bã động vật) hoặc vô cơ (có các yếu tố N, P, K).

Nhiệt độ cao làm tăng sự phát triển dinh dưỡng ở cây lan. Vào mùa nắng, nên tăng lượng phân bón cho cây để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Không nên để cây ở nơi thiếu ánh sáng vì nó sẽ sinh trưởng kém.

LÀM GIÀN LAN.


Sau khi nghiên cứu bước một, bây giờ là bước thực hiện. Muốn trồng phong lan thì phải lam giàn lan. Đây cũng là một nghệ thuật, phải biết hướng của giàn lan, hướng của giàn lan rất là quan trọng. Trước đây, đa số giàn lan đều lợp bằng nẹp tre, nên phải xếp nẹp tre thẳng góc với hướng đi của mặt trời để lúc nào cũng có ánh nắng và bóng râm, chớ không phải muốn xếp hướng nào cũng được. Mấy năm gần đây có lưới nên rất tiện lợi, giàn lan không cần theo hướng nữa, mà tuỳ theo thế đất của mình mà làm giàn lan

- Sườn giàn lan.

Dù làm giàn lan với quy mô nào, hoặc có sân vườn tư gia vừa phải, hoặc công nghiệp, thì sườn của giàn giống như nền móng của ngôi nhà, phải làm cho thật chắc chắn.

Trụ đứng phải trồng bằng trụ sắt hoặc trụ bêtông để đảm bảo lâu dài, có nhiều cây chằn vững chắc để đề phòng trường hợp gió bão. Cột trụ phải cao độ 3 mét, có thể làm nóc bằng hoặc kiểu như mái nhà, kiểu này thoáng hơn và khi trời mưa, nước dễ thoát, không ứ đọng nước trên nóc giàn. Giàn phải làm hai tầng, tầng nóc có thể lợp bằng nẹp tre dày từ 2.5 đến3 cm, đóng như dạt giường, từng miếng dài tùy vào giàn lan, rồi lợp trên đòn tay, nhưng bắt buộc phải xếp thẳng góc với hướng đi của mặt trời. Nếu xếp song song với hướng đi của mặt trời thì chổ kẽ hở lúc nào cũng có ánh nắng chiếu nóng, làm cháy lá lan. Tùy theo loại lan trồng mà chừa kẽ hở của các nẹp tre, như trồng Cát lan Cattleya chịu nắng 50%, thì đóng một nẹp rồi bỏ khoảng cách bằng một nẹp. Nếu trồng Hoàng lan Dendrobium chịu được nắng 75%, thì đóng một nẹp bỏ khoản cách bằng một nẹp rưởi vv... Mé mặt trời lặn ( hướng tây ) phải che để ngăn cản bớt nắng chiều rất nóng. chỉ có Vanda teres, bò cạp Renanthera chịu được nắng 100%, thì khỏi cần phải che, trồng ngoài trời lam hàng rào cũng được. Nếu trồng lan Hồ Điệp chịu 30% nắng thì đóng một nẹp, bỏ khoản cách bằng nửa nẹp, lan Hồ Điệp chịu sáng, nhưng ít chịu nắng. Chịu ẩm, nhưng không chịu nước. Nếu để nước nhiểu từng giọt lên lá, lá sẽ dễ bị thối úng, cho nên tốt nhất làm giàn lan trồng Hồ Điệp nên lợp bằng tấm nylon trong hoặc bằng tôn sáng.

Ngày nay có bán lưới nylon lợp giàn rất tiện lợi, không cần lo hướng và rất tiết kiệm, ít tốn kém xương đòn tay đỡ nẹp tre, chỉ cần căng vài sợi dây kẽm là lợp lưới được, nhưng phải căng cho thật thẳng , không nên để gió đưa phất phơ.

Gìan che phải có hai tầng, tầng nóc để che nắng, tầng dưới dùng để treo Phong lan. Tầng này nên gác bằng tầm vông hay ông nước tròn để móc chậu Lan vào.Tuy nhiên có cây gì làm bằng cây đó cũng được. tầng này cao cỡ 1.8m để đi vào giàn Lan không bị đụng đầu. Các cây tầm vông phải gác song song, cách nhau cỡ 20-40cm một cây,( tùy vào chậu lan và cây lan lớn hay nhỏ mà ta điều chỉnh khoản cách này, theo mình thì nên canh làm sao cho mép chậu cách nhau từ 8-10cm) máng các chậu Lan cách xa ra để được thông thoáng. Cỡ độ 5-6 khoảng cây tầm vông ta nên chừa một lối đi cỡ 80cm để tiện lợi cho việc chăm sóc.

Treo giò Lan phải treo chậu cùng cỡ, móc treo lan độ dài bằng nhau ta nên trồng thành nhiều nhóm, trong nhóm ta nên trồng cùng loại và cùng độ tuổi lan để dễ chăm sóc, bón phân sau này. Treo các chậu lan ngay hàng thẳng lối mới đẹp.

Cũng có thể để các chậu lan trên kệ cao cỡ 80cm, mặt kệ làm bằng lưới sắt chắc chắn, không phải tốn móc treo và tầm vông

Ngoài ra nếu trồng ít, có thể treo dưới gốc cây trước sân nhà hoặc trước mái hiên, bên cửa sổ cũng được, nhưng nên tránh ánh nắng nóng giữa trưa, lá cây lan cháy nám, làm xấu cây và hoa cũng mau bị héo tàn.

Cái khó là tránh các giọt nước mưa nhiểu liên tục trên lá cây lan, nhất là lan Hồ Điệp, dễ bị thối úng. Gìan lan Hồ Điệp nên che bằng tole nhựa hoặc nilon trong vào những tháng mưa để tránh bệnh và có đủ ánh sáng.

- Vị trí giàn lan.

Vị trí giàn lan cũng rất quan trọng, nói chung là môi trường tiểu khí hậu nơi mìng trồng lan. Nếu có nhiều đất đai thì làm giàn lan với quy mô lớn, chọn nơi có nguồn nước tốt, thông thoáng, gần bờ sông hoặc chung quanh vường có nhiều ao hồ để cho môi trường lúc nào cũng ẩm và mát mẻ. Ở các thành phố đất đai chật hẹp, làm giàn lan không được thông gió lắm vì chung quanh bị nhà cửa bao bọc, nếu làm giàn lan trên sân thượng thì bị nhiều gió và nắng, nắng rọi xuống nền rồi phản chiếu trở lên làm cho cây lan mau bị khô, vì lý do đó nên làm giàn lan trên sân thượng nên lợp mái 2 lớp lưới và dừng vách hướng mặt trời lặn (hướng tây)1 lớp lưới để giãm nắng, cản bớt gió. Phía dưới nền các bạn nên lót bằng nilon, lấy gạch, đá tấn xung quanh mép nilon bỏ trãi một lớp cát dầy 3cm để giử ẩm cho giàn lan. Vì vậy, trồng lan ở trong thành phố cực khổ hơn nhiều.

Tuy nhiên ở đâu có mặt bằng thì ở đó có thể trồng lan được, ở trước sân nhà, trên sân thượng, cốt yếu là phải tạo cho được điều kiện tiểu khí hậu của vườn lan, như làm vòi phung sương, tưới nhiều lần hơn để giữ ẩm vv...

- Trồng phong lan.

Phong lan rất đa dạng, rất nhiều loại, chúng sông ở đất: địa lan, ở hốc đá: thạch lan, mọc trên thân cây gỗ có hệ thống rễ gió: phong lan, có hệ thống rễ bán không khí, bán rễ gió, có loại bán địa lan mọc nơi gốc cây mục vv... vì vậy, mỗi loại lan đều có cách trồng khác nhau. Phải quan sát cho kỹ cách sinh sống của chúng ngoài thiên nhiên, nơi xuất xứ của cây lan mà nuôi trồng cho phù hợp, cách trồng và chất liệu trồng vv...

1. Dụng cụ :

Muốn trồng phong lan phải có tối thiểu một số dụng cụ sau:

- Kéo cắt thật bén để cắt lá, rễ khi cần.

- Kẹp nhon hoặc nhíp dài để gắp và bắt sâu rầy.

- Dao bén hay sécateur để cắt giả hành, cắt cành.

- Một số thuốc để sát trùng cho vết thương sau khi cắt.

Tuỳ theo nhu cầu phát sinh, có thể mua thêm bình xịt và các loại dụng cụ khác.

2. Chậu trồng.

Tùy theo loại phong lan, mà ta trồng vào chậu to hay chậu nhỏ. Ngoài thị trường có bán đủ cở chậu.

Tốt nhất trồng trong giàn lan, mồi loại trồng vào một nhóm với kích cở chậu bằng nhau, nhỏ theo nhỏ, lớn theo lớn, trồng lan con riêng, lan trưởng thành riêng để dễ chăm sóc, để tưới cùng một loại phân, móc để móc chậu lan cũng phải cùng một cở chiều dài để khỏi treo chậu thì cao, chậu thì thấp, xem không đẹp. Đó là cách sắp xếp, trình bày tuỳ ý mỗi người.

3. Chất liệu trồng :

Thông thường là than gỗ, vỏ thông, dớn, xơ dừa khô, gạch vv...nhưng phải ngâm, giặt sạch phơi khô, sát trùng trước khi trồng. Nên nhớ cây Phong lan cần phải thông thoáng, các chất liệu trồng phải gác treo làm sao để có được nhiều kẽ hở.

4. Cách trồng :

Có rất nhiều cách trồng tuỳ theo loại phong lan. Đây là một kỹ thuật quan trọng mà người trông phải biết, phải hiểu rõ điều kiện sinh lý, sinh thái của cây lan mình trồng.

Các điểm mua bán phong lan đều có bán đủ loại vật tư, vật liệukể cả các loại lan, từ cây mô còn trong chai, lan mô trung có độ tuổi vài ba tháng cho đến lan trưởng thành sắp ra hoa và lan đã ra hoa vv... Lan rừng, lan nhập từ nước ngoài, có đầy đủ tên họ, có cataiogue để xem màu sắc của hoa, kích thước của hoa, của cây, thời gian ra hoa vv...

THỰC HIỆN TRỒNG LAN

Trồng phong lan cũng tuỳ theo cỡ, tuỳ theo giá cả của từng loại lan. Nếu muốn mau ra hoa thì trồng cây đã trưởng thành, trồng vài tháng sẽ ra hoa, nhưng giá bán hơi đắt. Trồng cây mô trung đã được vài ba tháng tuổi thì đảm bảo tỷ lệ sống cao. Trồng cây con cấy mô còn trong chai thì lâu ra hoa, nhưng giá rẻ hơn. Có thể mua với số lượng lớn, tuỳ theo ý thích và khả năng của từng người mà chọn lựa mua.

1. TRỒNG LAN CẤY MÔ.

Mới lập vườn nên trồng một số lan cấy mô, vì giá thành rẻ. Ở thị trường gía từ 40-100 ngàn một chai khoảng 20 đến 22 cây, tuỳ theo loại, có thể giá cao hơn hay thấp hơn chút.

- Chọn giống:

- Cây phải rõ nguồn gốc, ngoài chai có nhãn ghi tên khoa học, ngày tháng cấy mô rỏ ràng.

-Chọn cây giống trong chai trung bình từ 4 đến 6cm, không nên tham những cây đã quá cao vì những cây này đã quá lứa (cây mô để quá lâu, chất dinh dưỡng trong chai đã hết, cây bị chai, sau này đem ra ngoài sẽ phát triển chậm). Chọn chai có bộ rễ trắng mập càng ngắn thì tốt. nên để chai trong vườn nơi thoáng mát vài ngày rồi mới ra chai.

- Ra chai.

- Lấy nước sạch đổ nhẹ nhàng vào chai, lắc nhẹ rồi trúc ra thau nước sạch, lấy móc sắt, móc từ từ và nhẹ nhàng từng cây một ra thau nước sạch. dùng tay đở và quậy nhe nhàng cho rã hết aga dính vào rễ, rãi đều cây lan trên một miếng lưới hoặc vỉ hay rổ, phung sương dung dịch ViCarben (1giọt/100cc nước) kê lên trên miêng chậu nước để giữ mát cho cây lan(không để nước chạm vào lan), đưa ra vườn để dưới 2 lớp lưới 60, tưới phung sương ngày 4 lần (không nên tưới vào buổi trưa từ 11- 14 giờ).

- Sau ba ngày tưới phung sương B1 với liều lượng 2 giọt/ 1 lít nước để kích rể

- Ba ngày sau lấy xơ dừa hoặc dớn (đã xử lý ngâm nước phơi khô) xé nhỏ, dài cở 4-5cm, nhẹ nhàng đặt cây con vào giữa các miếng xơ dừa xé nhỏ, đặt sao cho cổ rễ cây con cao hơn đỉnh xơ dừa 1-2mm, tránh đọng nước nơi cổ rễ làm hư cổ rễ, bó chung quanh gốc, ràng lại vừa phải bằng một khoanh dây thun nhỏ sao cho vừa đủ chặt cây con, không quá chặt làm hư rễ và quá lỏng làm rớt cây con ra, sắp ngay ngắn vào khay, vào vỉ để trồng dần. Đặt các khay, vỉ cây con vào nơi trồng. nơi trồng phải có độ che sáng cao hơn 10% so với cây trưởng thành. Cây con phải được che mưa 100%, điều này hết sức quan trọng vì cây con còn yếu không chịu được mưa dủ trực tiếp hay gián tiếp. Nếu trồng cây con mà không che mưa thì tỉ lệ cây chết rất cao, phun thuốc phòng nấm và vi khuẩn ngay lập tức sau khi trồng và định kỳ 3 ngày/ lần với nồng độ bằng 50% nồng độ cho cây trưởng thành trong tháng đầu. Dùng B1 phung mỗi ngày với liều lượng = 10% liều dùng cho cây trưởng thành. Cây con có thể tưới phung sương bằng nước sạch, bằng dung dịch có pha thật loãng thuốc dưỡng cây như B1, Atonic, nước dừa tươi, phân đạm vv... Chỉ phung sương khi tưới cây con, tia nước quá lớn có thể làm cho cây bị hư, gãy lá sinh thúi nhũng, tưới đều vừ đủ trên lá và chất trồng, số lần tưới nước trong ngày tuỳ vào nhiệt độ và sức gió nơi trồng. Sau 3 tuần nếu các bạn thấy rễ và cây phát triển mạnh là bạn đã thành công trong giai đoạn này.

- Khi thấy cây con ra rễ mới khoẽ mạnh, ta bắt đầu phung phân NPK 30-10-10 theo tỷ lệ 1gm/ 4 lít nước cách nhau 3 ngày, nên tưới vào lúc sáng sớm hay chiều mát, Không nên tưới vào ban đêm dễ bị nấm mốc, vẩn giữ B1 trong suốt thời kỳ sinh trưởng.

- Ba, bốn tháng sau nên sang qua chậu to hơn, trước khi sang chậu nên tưới nước cho thậ đẫm hoặc ngâm vào chậu nước khoảng 10 phút cho rễ cây bong ra, gỡ nhẹ nhẹ đừng cho đứt rễ, sang qua chậu to hơn, rồi bỏ thêm than, dớn hoặc xơ dừa. nếu là lan đa thân nên trồng về một bên và xoay hướng để cây sẽ nhảy thêm chồi non vào giữa chậu, tránh cây lan mọc ra ngoài mép chậu.

2. TRỒNG CÂY CỠ TRUNG BÌNH (MÔ TRUNG).

Người mới trồng lan nên mua cây cỡ này về trồng, tỷ lệ chết rất ít, nếu chăm bón đúng kỹ thuật, cây sẽ sống 100%. Có vườn chuyên ươm cây lan cấy mô cỡ 3-4 tháng, cao 10cm, có 3-4 tép. Gía cao hơn từ 5 đến 10 ngàn 1 cây, nhưng trồng dễ hơn nhiều, chỉ cần để vào mép chậu xoay hướng cho phát triển vào giữa chậu, rồi bỏ than, dớn, xơ dừa vào, treo lên giàn lan, nên tưới một lượt thuốc dưỡng cây hoặc thuốc kích thích ra rễ, đợi ít ngày, khi cây lan ra rễ mạnh mới tưới phân NPK 30-10-10 với tỷ lệ 50% để cây lan sinh trưởng tốt. Cây lan nhảy chồi, ra nhiều rễ rất cần nhiều ánh sáng, nhiều gió và nhiều phân, vì vậy cần phải tưới phân định kỳ 3 ngày lần.

Trồng lan mô trung, ít tốn kém, nhưng thời gian lâu mới ra hoa. Tuỳ theo loại như Dendrobium ( Hoàng lan), Oncidium (Vũ nữ), thời gian từ 7 tháng đến 1 năm mới ra hoa. Còn Vanda (Vấn lan), Cattleya (Cát lan) thì phải lâu hơn nhiều, nhưng đến khi ra hoa chưa chắc gì đẹp theo ý muốn, nhiều khi cây lan bị lai tạo giống cũ nên ra hoa bé nhỏ.

3. TRỒNG LAN TRƯỞNG THÀNH ĐÃ RA HOA

Khi thấy hoa rồi, màu sắc, kích cỡ của chúng thế nào, khi đem về trồng thì phải ra hoa như thế đấy, khỏi sợ bị lầm lẫn. Cho nên, nếu trồng ít cây thì nên mua lan đã ra hoa, mặc dù có đắt tí, nhưng đúng theo sở thích của mình.

Cây lan có hoa khi bán thì bán luôn cả chậu. Mua đem về tiếp tục trồng, tưới nước, tưới phân, cây sẽ nhảy chồi, ra hoa. Nếu trồng đạt thì mỗi già hành, mỗ tép đều ra hoa mới, đến khi nào cây lan ra quá nhiều giả hành, nhảy ra ngoài chậu thì phải tách chiết, nhân giống ra để trồng thêm.

4. Thay chậu và nhân giống.

Phong lan trồng trong chậu, dù cẩn thận thế nào đi nữa cũng có một số rễ bị thối. Phong lan phát triển rất nhanh, do đó việc tiến hành thay chậu, nên tiến hành đồng thời với việc nhân giống. Khi quan sát thấy giả hành bắt đầu mọc ra khỏi mép chậu, thì ta nghĩ đến việc thay chậu.

Việc thay chậu tốt nhất nên thực hiện vào đầu mùa mưa cây se phát triển mạnh. Tuy nhiên, có thể thay chậu vào bất kỳ thời gian nào trong năm, vẫn đảm bảo cây sống với tỷ lệ cao. Muốn tách chiết, ta phải xem giò lan được bao nhiêu tép, có thể cắt ra được bao nhiêu đơn vị, mỗi đơn vị Phong lan thường có 3-4 giả hành, Trong đó có một hướng có chồi non. Lấy dao bén cắt ra từng đoạn, bôi vào vết cắt một ít vôi ăn trầu, để cho mau lành thẹo, không thối chổ vết cắt. Có thể cột treo để chờ ngày ra rễ hay trồng ngay cũng được. Cột chặt vào cây ti, nhưng đừng vội để giá thể, than, dớn, xơ dừa vào sớm, chừng nào thấy ra rễ mạnh mới để giá thể vào, rễ sẽ bám vào giá thể, hút được nhiều dưỡng chất.

Thông thường giò lan độ 2-3 năm, cây mọc ra đầy chậu (tuỳ theo loại) rễ đã dầy đặc, phải thay chậu. Nên ngâm chậu lan vào nước 10-15 phút, rễ mềm dễ dàng gỡ ra khỏi thành chậu và giá thể. Phài cắt bỏ các rễ nào hư thối, tỉa bớt rễ nào quá dài chỉ chừa lại 1 đoạn 10cm, rồi mới trồng trở lại. có thể ngâm vào dung dịch thuốc sát trùng, ngừa nấm, pha đúng theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi trồng lại thấy ra rễ mạnh mới tưới phân, vì rễ còn non mà tưới phân vào, rễ sẽ bị chùn lại hoặc bị hư rễ mới.

5. CÁCH TRỒNG KHÁC.

a. Trồng thành líp ở dưới đất:

Lấy vỏ dừa miếng, đặt lật ngửa lên, xếp ngay hành thẳng lối thành líp, rông 80cm dài tùy ý, vót nhọn cọc tre cỡ ngón tay, ghim chặt từng miếng vỏ dừa dính sâu vào đất, rồi cột cây phong lan vào cọc tre thế nào cho bộ rễ vừa chạm lớp xơ dừa. Cây lan sẽ ra rễ bám vào xơ dừa và sống mạnh. Trồng thành líp như thế này thích hợp với các loại lan cắt cành.

b. Trồng treo:

Thay vì trồng vào chậu, có thể cột cây lan vào miếng vỏ dừa hoặc một khúc cây khô, treo lơ lửng dưới giàn lan, dưới tán cây trước nhà. Chăm sóc tưới cũng y như trồng trong chậu.

c. Trồng ghép vào trụ:

Lựa loại cây lâu mục như vú sữa, sao, gõ, đường kính cỡ 15-30cm, dài cỡ 1.5 mét, cắm xuống đất thành hàng, (hoặc đổ bêtông làm chân đế cho tiện việc di chuyển sau này) dưới tàn cây to. Chung quanh cây gỗ cột ghép các loại phong lan. Cây lan sẽ ra rễ bám chặt vào thân cây, phát triển rất tốt, vì giá thể rất thoáng và rễ lan bò dọc theo thân cây nên hút được nhiều dưỡng chất. Khi nào thấy rễ chỉa thẳng ra ngoài, thì kéo nhẹ cột ốp sát vào thân cây, giúp rễ cây hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Cây sẽ mập mạp và siêng hoa.

d. Trồng ghép vào cây sống:

Trường hợp trước nhà, ngoài sân vườn, có nhiều cây ăn trái to, cao, ta cũng có thể trồng phong lan cột ghép vào các nhánh cây giống như ngoài thiên nhiên, cây lan bám vào cây rừng vậy. Nhưng cần chú ý về độ sáng, nắng. Tốt nhất nên cột xoay về hướng đông, hướng mặt trời mọc

Các loại lan trồng bhép vào thân cây là Dendrobium, Van da, Vũ nữ , và các loại lan rừng khác đều tốt.

Trên đây là một số cách trồng phong lan, tuỳ theo sở thích của từng người mà trồng. Nhưng cách trồng vô chậu rồi treo dưới giàn là được nhiều người trồng nhất, vì dễ di chuyển, bán hoặc trao đổi.

Tóm lại, hoa phong lan trồng rất dễ, trồng cách nào cũng được, nhưng quan trọng nhất là cách chăm sóc, tưới tiêu, bón phân và phòng trừ sâu bệnh.

No comments:

Post a Comment